SỔ TAY CÔNG NGHỆ SỬ DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC
Chế phẩm Vi sinh vật hữu hiệu EMHUA
(Effective microorganisms Institute of Agrobiology )
I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Vi sinh vật hữu hiệu là một quần thể hỗn hợp trong nhóm vi sinh vật có lợi (Vi khuẩn quang hợp, Vi khuẩn lactic, Nấm men, Xạ khuẩn, Bacillus substilis…). Nghiên cứu sử dụng công nghệ vi sinh vật hữu hiệu (Effective Microorganism), viết tắt là EM do Giáo sư¬, Tiến sĩ Teruo Higa – Trường Đại học Tổng hợp Ryu Kyus – Okinawa – Nhật Bản đề xuất năm 1980. Đến nay, công nghệ EM đã được áp dụng rộng rãi trên 100 nước trên thế giới và coi đó là một giải pháp cho việc phát triển nông nghiệp bền vững tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, xử lý rác thải đô thị và vệ sinh môi trường có hiệu quả.
Đã có nhiều tổ chức, trung tâm nghiên cứu của thế giới hoặc từng nước nghiên cứu công nghệ EM như : Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tự nhiên quốc tế ATAMI, Nhật Bản (INFRC), cơ quan nghiên cứu Vi sinh vật hữu hiệu (EM) Okinawa, Nhật Bản (EMRO), mạng lưới nông nghiệp tự nhiên Châu Á – Thái Bình Dương, Bangkok, Thái Lan (APNAN)…
Nhiều nước đã có các nhà máy sản xuất khối lượng lớn chế phẩm EM để sử dụng trong nước như : Bắc Triều Tiên, Brazin (sản xuất 2 triệu lít/năm), Thái Lan (1 triệu lít/năm), Myanmar (1,2 triệu lít/năm) …
Những năm 1994, 1995 chế phẩm EM đã được đưa vào Cần Thơ, Hải Phòng, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng – Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa chế phẩm EM từ Trung Quốc về thí nghiệm với cây trồng cho kết quả tăng năng suất tốt. Năm 1997, một số cơ quan nghiên cứu và địa phương như Viện Bảo vệ thực vật, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tỉnh Thái Bình, Thành phố Hà Nội… đã tiến hành thử nghiệm thăm dò bước đầu chế phẩm EM trên một số lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, vệ sinh môi trường và đã thấy được hiệu quả tích cực của công nghệ EM. Năm 1998, Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định cho thực hiện Đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu thử nghiệm và tiếp thu công nghệ EM trong các lĩnh vực nông nghiệp và vệ sinh môi trường” từ năm 1998- 2000 do GS.TS Nguyễn Quang Thạch làm Chủ nhiệm.
Dựa trên nguyên tắc hoạt động và phối chế của chế phẩm EM, nhiều cơ quan trong nước đã sản xuất ra các dạng EM của Việt Nam như: EMUNI của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, EMINA của Viện Sinh học Nông nghiệp, Công ty TNHH Sinh học Sao Vàng.
II. EMHUA – CHẾ PHẨM VI SINH VẬT HỨU HIỆU
1. Khái niệm về chế phẩm EMINA
EMINA là chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu do Viện Sinh học Nông nghiệp-Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội phối chế tạo thành. Chế phẩm là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp thành phố với tên đề tài là “Nghiên cứu ứng dụng các chủng vi sinh vật hữu ích để tạo chế phẩm sinh học có hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp” do GS.TS Nguyễn Quang Thạch làm chủ nhiệm đề tài.
2. Vai trò và cơ chế tác động của các nhóm vi sinh vật trong chế phẩm EMHUA.
Nhóm vi sinh vật trong chế phẩm EMHUA bao gồm: Vi khuẩn quang hợp (Rhodobacter sp.), vi khuẩn Lactobacillus, vi khuẩn Bacillus (Bacillus subtilis, Bacillus licheniformis…) và nấm men Saccharomyces.
– Vi khuẩn Lactic: thuộc vi khuẩn Gram (+) không tạo bào tử, hầu hết không di động, có hình thái khác nhau.
+ Vi khuẩn Lactics ngăn ngừa vi khuẩn có hại
+ Giảm mùi hôi thối của môi trường
+ Tăng khả năng tiêu hóa, hấp thụ thức ăn
– Vi khuẩn Bacilllus:
+ Sinh các enzym amylase, protease…thúc đẩy sự phân hủy các chất hữu cơ tàn dư như tinh bột, protein…
+ Cạnh tranh sinh học
+ Giảm sự phát triển của Vibrio, vi khuẩn có hại và nguyên sinh động vật
– Nấm men: thuộc nhóm vi nấm, có cấu trúc đơn bào.
+ Tham gia vào quá trình chuyển hóa vật chất
+ Tạo các chất có hoạt tính sinh học như: hoocmon, enzym
+ Trong thành phần nấm men có nhiều loại vitamin và axit amin không thay thế
– Vi khuẩn quang hợp: Là vi khuẩn quang tự dưỡng, có hàng loạt vai trò quan trọng :
+ Tạo sản phẩm quang hợp
+ Tạo phytohoocmon (auxin), axit amin, phân giải photpho khó tiêu thành dễ tiêu, cố định Nito.
+ Khử các mùi độc hại và hôi thối như Ammoniac (NH3) và Hydrogen Sulfide (H2S)
Vi khuẩn Lactic + Vi khuẩn quang hợp + Nấm men +Vi khuẩn bacillus hỗn hợp các chủng vi khuẩn trên tạo nên chế phẩm và hiệu quả cho EMINA
Các vi sinh vật hữu hiệu này được phân lập từ tự nhiên hoàn toàn không độc với người, động vật, môi trường và rất dễ sử dụng.
Do được nghiên cứu, phân lập và chế tạo trong nước nên chế phẩm có giá thành thấp, vi sinh vật có nhiều đặc tính ưu việt và đặc biệt dễ dàng thích ứng hơn với điều kiện sinh thái của Việt Nam khi được đưa vào môi trường so với các sản phẩm cùng loại nhập ngoại.
3. Tác dụng của chế phẩm EMHUA
• Dùng để ủ phân chuồng và các rác thải tạo phân hữu cơ vi sinh, rút ngắn thời gian ủ
• Tiêu diệt các vi sinh vật có hại, tăng cường các vi sinh vật hữu ích giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, phòng chống một số bệnh
• Giảm lượng khí độc H2S, NH3, giảm các vi sinh vật có hại trong không khí chuồng nuôi.
• Giảm lượng BOD, COD trong nước thải chuồng nuôi lợn, gia cầm, bò, tăng cường khả năng chống chịu của vật nuôi.
• Xử lý môi trường ao hồ chăn nuôi thủy sản
• Hoàn toàn không độc hại với môi trường, vật nuôi và sức khỏe con người
III. CÁC DẠNG CHẾ PHẨM EMHUA – CÁCH PHA CHẾ VÀ SỬ DỤNG
1. Các dạng EMHUA ở trạng thái dung dịch
*Chế phẩm EMHUA dạng gốc (EMHUA1)
Chế phẩm gồm vi khuẩn quang hợp (vi khuẩn tía), Vi khuẩn lactobacillus, Nấm men, Xạ khuẩn, Nấm sợi. Các VSV ở dạng ngủ, không phát triển.
– Dung dịch có mầu nâu, mùi thơm, có vị chua ngọt.
– Độ pH < 3.5
– Bảo quản EMHUA gốc ở nhiệt độ bình thường, nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp, thời gian bảo quản 6 tháng kể từ ngày sản xuất.
– Chế phẩm EMHUA gốc thường được sử dụng để chế tạo ra dạng chế phẩm sử dụng: EMINA thứ cấp, EMINA bokashi và các dạng khác
* Chế phẩm EMINA thứ cấp (EMINA2)
Là chế phẩm lên men sinh khối từ EMINA1, các VSV đ¬ược đánh thức, phát triển, nhờ cung cấp thức ăn là rỉ đ¬ường và môi tr¬ường thích hợp là n¬ước sạch. Số lượng VSV tăng nhiều. Dung dịch EMINA thứ cấp là chế phẩm có thể sử dụng trực tiếp.
– Dung dịch có mầu nâu, mùi thơm, vị chua ngọt.
– Độ pH < 3.5
– Bảo quản nơi nhiệt độ ổn định, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp rọi vào. Thời gian bảo quản là 1 tháng kể từ ngày lên men xong.
2. Chế phẩm EMINA (Bokashi) dạng bột
2.1. Bokashi I – Xử lý môi trường:
– Dùng trong xử lý môi trường (Bokashi môi trường). Nguyên liệu chế tạo gồm: Cám gạo / mùn cưa theo tỷ lệ 1:1; Dung dịch EMINA / Rỉ đường / nước theo tỷ lệ 1:1:20
– Trộn đều cám gạo và mùn cưa, phun dung dịch EMINA đã pha chế cho đến khi có độ ẩm 30 – 40% (Khối bột khi nắm chặt không rỉ nước, khi chạm vào thì tan ra); Ủ trong thùng hoặc đánh đống đậy kín (nhiệt độ nơi ủ 30 – 350C) trong 7 – 10 ngày hỗn hợp lên men có mùi thơm. Có thể phơi hoặc sấy khô bột đến độ ẩm 12 – 13% rồi đem bảo quản trong bao để sử dụng dần.
– Bảo quản nơi thoáng mát, khô ráo. Bột có thể sử dụng trong thời gian 1 – 1,5 tháng
2.2. Bokashi II – Làm thức ăn cho gia súc
5 lít EMINA1 + 5 lít Rỉ đường + 100 lít Nước + Thành phần thức ăn ta được Bokashi II
Hướng dẫn pha chế:
+ Thành phần thức ăn: Các loại thành phần thường sử dụng để làm thức ăn cho gia súc (bột ngô, bột cám, bột cá…) được phối trộn theo tỷ lệ nhất định đảm bảo tỷ lệ đạm và dinh dưỡng cần thiết cho vật nuôi.
+ Trộn đều các thành phần thức ăn, sau đó vừa phun dung dịch trên vào hỗn hợp vừa trộn cho đến khi độ ẩm đạt 30- 40% là được.
+ Cho vào bao hoặc thùng chứa, bao kín để lên men kỵ khí.
+ Sau 7-10 ngày, khi hỗn hợp có mùi lên men ngọt, thơm, có mốc trắng trên bề mặt,có nghĩa EMINA Bokashi II đã làm xong và đem dùng.
3. Chế phẩm EMINA thảo dược
– Chế phẩm EMINA thảo dược là sự kết hợp của EMINA gốc với các loại thảo dược khác nhau: gừng, giềng, tỏi, ớt…
– Ngoài các vi sinh vật hữu hiệu, chế phẩm này còn bao gồm các axit hữu cơ, chất hoạt động sinh học, khoáng chất và các chất hữu cơ có lợi khác từ thực vật.
– Chế phẩm có mùi thơm dễ chịu. pH < 4,0.
– Chế phẩm có tác dụng đặc biệt trong việc xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và xua đuổi các loài côn trùng gây hại cho cây trồng
4. Chế phẩm EMINA dinh dưỡng
– Chế phẩm EMINA dinh dưỡng là sự kết hợp của chế phẩm EMINA gốc và dịch thủy phân protein.
– Chế phẩm có tác dụng tăng cường dinh dưỡng cho cây trồng khi được phun trực tiếp lên lá, cây sinh trưởng tốt, sản phẩm sau thu hoạch an toàn cho người sử dụng.
IV. QUY TRÌNH SỬ DỤNG CHẾ PHẨM EMINA
IV.1 ỨNG DỤNG CHẾ PHẨM EMINA TRONG TRỒNG TRỌT
Ứng dụng
– Sản xuất Chế phẩm EMINA thảo dược làm phân vi sinh bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng
– Sản xuất Chế phẩm EMINA thảo mộc là thuốc trừ sâu sinh học cho cây trroongf
– Ủ phân hủy trùn quế, ủ phân cá, bánh dầu, đậu nành, dịch chuối.
– Ủ phân chuồng, vỏ cà phê, phế phụ phẩm nông nghiệp khác
1. Cách sản xuất Chế phẩm EMINA Thảo mộc:
Từ 1 lít Chế phẩm EMINA gốc + 1 kg rỉ mật đường + 20 lít nước + 5 -7(kg) rau, củ, quả
Hỗn hợp thu được sẽ được sử dụng sau 7-10 ngày ủ.
Công dụng: Bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng. Cây trồng khỏe mạnh, đẹp mã, năng suất tăng
Cách sử dụng: Pha theo tỷ lệ 1:1000. Cách 10-15 ngày phun 1 lượt
2. Cách sản xuất Chế phẩm EMINA thảo dược – Thuốc trừ sâu sinh học
Từ 1 lít Chế phẩm EMINA gốc + 1 lít rỉ mật đường + 1 lít cồn 350 (hoặc rượu 350)+ 1 lít dấm ăn + 1Kg hỗn hợp gừng, giềng, tỏi, ớt + 6 lít nước.
Hỗn hợp này sẽ được sử dụng sau 15-20 ngày ủ.
Công dụng: Giúp cây trồng khỏe mạnh, tăng năng suất, hạn chế sâu bệnh
Cách sử dụng: Pha theo tỷ lệ 1:1000. Cách 10-15 ngày phun 1 lượt
3. Cách ủ phân chuồng (phân heo, bò, gà..), vỏ cà phê, phế phụ phẩm nông nghiệp khác:
Nguyên liệu:
+ 1 tấn phân hữu cơ hay 1m3 hữu cơ các loại trộn đều ((Nếu chỉ là phân lợn, phân trâu bò nhão thì cho thêm trấu hay rác để có thêm độ tơi xốp, chú ý tỷ lệ khoảng 50% phân : 50% chất hữu cơ hoặc rơm rạ)).
+ Cám gạo (ngô): 1kg
+ Chế phẩm EMINA gốc 1-2 lít
+ 1 lít rỉ đường.
+ Nước: 50-200 lít tùy thuộc vào độ ẩm của đống ủ
+ Ngoài ra có thể bổ sung thêm Đạm, Lân, Kali vừa đủ để giúp phân hoai mục nhanh hơn
Hướng dẫn ủ:
– Tiến hành trộn thật đều hỗn hợp này cho tới khi thành một khối có độ ẩm biểu hiện (nước hơi rỉ ra nền) là được
– Dùng xẻng nén chặt đống phân, phủ kỹ đống phân bằng nilon hay bao tải (tốt nhất dùng đất bùn trát kỹ thêm bên ngoài) , để đống phân được ủ yếm khí hoàn toàn.
– Sau 30 – 45 ngày, phân đã hoai có thể sử dụng.
Cách sử dụng:
Rải đều lên mặt ruộng ẩm ướt và cày vùi. Rải đều quanh gốc cây theo tán lá, xới trộn vào đất, phủ rơm cỏ và tưới ẩm.
4. Cách ủ phân cá bằng Chế phẩm EMINA
Công dụng:
– Có tác dụng phân hủy nhanh chóng các thành phần cơ chất của cá tươi, tạo nguồn dinh dưỡng dễ hấp thu cho cây trồng.
– Phân cá sau khi ủ có chứa các amino acid và các chủng vi sinh hữu ích giúp cải thiện môi trường đất, bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng và ức chế tiêu diệt các tác nhân gây bệnh.
Hướng dẫn ủ cho 1 lít EMINA
– Hòa đều hỗn hợp gồm: 1 lít chế chẩm EMINA vào 20 lít nước, 1 kg mật rỉ có thể bổ sung thêm cám gạo hoặc ( Ure, Phân đạm S.A, Kali mỗi loại khoảng 200g).
– Nguyên liệu cá băm nhỏ: 70-100kg (nên sử dụng cá nước ngọt, băm nhuyễn là tốt nhất) sau đó cho vào thùng kín
– Tiến hành đổ toàn bộ hỗn hợp trên vào thùng nguyên liệu sau đó đậy kín, ủ trong 25 – 30 ngày, sau 5-7 ngày đảo trộn định kỳ 1 lần
Sử dụng: Dùng 1 lít dung dịch phân cá hòa tan vào 200-400 lít nước để phun hoặc tưới vào gốc, sẽ giúp cây trồng phát triển mạnh, năng suất cao. Đồng thời ngăn chặn và phòng trị tối ưu tuyến trùng và nấm bệnh, tác nhân gây “vàng lá thối rễ”, “chết nhanh chết chậm” trên cây trồng.
Chú ý: Bảo quản thùng chứa phân cá ở nơi khô ráo, không để được nước rơi vào, và tránh ruồi muỗi.
5. Cách ủ phân bánh dầu, ủ phân bã đậu nành, ủ phân đậu tương,…
Nguyên liệu:
+ Hỗn hợp gồm: 1 lít chế phẩm EMINA gốc + 1 lít mật rỉ đường + 20 lít nước)
+ Bột đậu tương hoặc bã đậu nành (xay mịn) hoặc bánh dầu (xay mịn): 40-50 kg
+ Ngoài ra có thể bổ sung thêm Lân (P): 200g, cám gạo
Ủ phân bánh dầu, bã dầu nành, đậu tương.. bằng chế phẩm EMINA
– Hướng dẫn ủ:
Cho nguyên liệu (đậu tương hoặc bánh dầu) vào thùy phuy sau đó đổ hỗn hợp chế phẩm trên vào, đảo đều rồi đậy kín lại, ủ ở nơi khô ráo thoáng mát. Vì bánh dầu hay bã đậu, đỗ tương đều hút ẩm rất mạnh nên chúng có thể nở ra gấp 3 lần ban đầu. Vì vậy trong khoảng 3-5 ngày đầu cần mở ra để đảo đều lại.
Trong quá trình ủ, khối ủ sẽ sinh khí rất mạnh nên trước khi ủ nên thiết kế 1 van thông khí
Khoảng 2 tuần sau, mở nắp ra bổ sung thêm Chế phẩm EMINA và lượng nước vừa đủ vào trong phuy chứa, sao cho thể tích dung dịch chiếm 70-80% phuy chứa và tiếp tục đảo đều.
Thời gian ủ giao động từ 5-7 tuần, tuỳ vào điều kiện khí hậu. Dịch chiết từ phân ủ bánh dầu, bã đậu nành hay đỗ tương.. có mùi thơm của sản phẩm lên men, nước lên men có màu cánh gián là được.
– Hướng dẫn sử dụng:
Do phân ủ bằng bánh dầu, bã đậu nành, hay đậu tương) có độ đạm cao nên cần hoà với nước ra để sử dụng. Tưới gốc: Pha với tỷ lệ 1:250. Phun qua lá: Pha với tỷ lệ 1:1000
Sử dụng tưới hoặc phun vào sáng hoặc chiều tối, tránh ánh mặt trời trực tiếp để đem lại hiệu quả cao nhất.
6. Sử dụng chế phẩm EMINA để ủ phân hữu cơ
* Hướng dẫn ủ:
– 1 tấn phân hữu cơ các loại (Nếu chỉ là phân lợn, phân trâu bò nhão thì cho thêm trấu hay rác để có thêm độ tơi xốp, chú ý tỷ lệ khoảng 50% phân : 50% chất hữu cơ hoặc rơm rạ) + 1 lít EMINA + 1lít gỉ đường hay 1 kg đường đỏ + 50lít hay 200 lít nước (tùy thuộc độ ẩm của đống ủ).
– Tiến hành trộn thật đều hỗn hợp này cho tới khi thành một khối có độ ẩm biểu hiện (nước hơi rỉ ra nền) là được
– Dùng xẻng nén chặt đống phân, phủ kỹ đống phân bằng nilon hay bao tải (tốt nhất dùng đất bùn trát kỹ thêm bên ngoài) , để đống phân được ủ yếm khí hoàn toàn.
– Sau 30 – 45 ngày, phân đã hoai có thể sử dụng.
IV.2. Sử dụng EMINA vào ao, hồ trong quá trình nuôi trồng thuỷ sản
– EMINA gồm những chủng vi sinh vật hữu hiệu nhưng có tỷ lệ cao những nhóm phân giải mạnh Protein và tinh bột và thức ăn thừa ở đáy hồ, khử H2S, SO2, NH3… Đồng thời EMINA kết hợp với vitamin làm tăng vi sinh vật phù du trong nước làm tăng thức ăn cho tôm,cá.
– Với 1 ha hồ nuôi trong quá trình nuôi cần dùng với lượng EMINA theo bảng sau:
Tuổi thuỷ sản (tháng) Thời gian tưới Lượng EMINA thứ cấp
Tháng thứ nhất 15 ngày / 1 lần 400lít/ 2 lần
Tháng thứ hai 15 ngày / 1 lần 400lít/ 2 lần
Tháng thứ ba 7 ngày / 1 lần 800lít/ 2 lần
Tháng thứ tư 15ngày / 1 lần 400lít/ 2 lần
Tổng số 10lần 2000lít
1. Xử lý đáy hồ trong nuôi trồng thủy sản
– Sau khi đã phơi đáy hồ 5-7 ngày, có thể xử đáy hồ bằng EMINA thứ cấp như sau:
+ Cho nước vào đáy hồ khoảng 20 cm ( 0,2 m), khoảng 1 gang tay.
+ Đổ EMINA thứ cấp ( 400 lít/ ha) đáy hồ
+ Dùng sào hay cào khuấy đều.
+ Sau 1 tuần thì tháo nước đầy để nuôi thủy sản
2. Sử dụng EMINA tỏi tăng cường sức đề kháng cho tôm, cá
– Chế biến EMINA rượu: 1 lít EMINA + 1 lít rượu ( hoặc cồn 35 độ) + 1 lít dấm ăn + 1 kg rỉ đường
– Để sau 24 giờ.
– Từ 1 lít EMINA rượu + 1 kg tỏi xay nát + 10 lít nước
– Để sau 24 giờ được EMINA tỏi
– Chắt lấy EMINA tỏi:
– 1lít nước chắt EMINA tỏi trộn vào 10 kg thức ăn tôm, để sau 4-5 giờ cho tôm ăn.
– Chú ý: Phải cho tôm ăn thức ăn bình thường rồi mới cho ăn EMINA tỏi.
– 1 tuần cho ăn EMINA tỏi 2 lần cho đến khi thu hoạch.
IV.3. Sử dụng EMINA trong chăn nuôi
1. Bổ sung EMINA vào nước uống cho gia súc, gia cầm
– Pha loãng EMINA thứ cấp theo tỉ lệ 1/100 đến 1/200 (pha loãng 1 lít thứ cấp pha với 100 lit đến 200 lít nước sạch) để dùng làm nước uống cho vật nuôi.
– Tác dụng: tăng cường sức khỏe cho vật nuôi, phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa (ỉa phân trắng) cho gia súc, gia cầm; giảm mùi hôi thối của phân thải.
2. Xử lý môi trường trong chăn nuôi
– Dạng dung dịch:
EMINA thứ cấp pha loãng với tỷ lệ 1/50. Dùng dung dịch trên phun chuồng trại vật nuôi bằng bình bơm hoặc ô doa, phun lên sàn, tường, trần và rãnh thoát nước (hoặc sử dụng như nước rửa chuồng trại). Chu kỳ sử dụng: tùy theo sự phát sinh mùi của chuồng trại thường 3 – 5 ngày 1 lần , với lượng 1 – 2 lít/m2.
– Dạng bột Bokashi I:
Có thể sử dụng dạng bột Bokashi I để xử lí bể chứa phân và nước thải. Lượng sử dụng dao động từ 0,3 – 0,5 kg bột/10 m3/tuần. Lượng bột có thể thay đổi tùy theo độ đậm đặc của bể chứa phân và nước thải.
– Dùng tắm cho vật nuôi:
Dùng chế phẩm thứ cấp pha với nước lã theo tỷ lệ 1:100, sử dụng hàng ngày dung dịch này để tắm cho vật nuôi. Vật nuôi giảm ngứa, sạch sẽ, chuồng trại chăn nuôi sẽ giảm hẳn hoặc không còn mùi hôi thối
– Dùng xử lý hố Bioga:
Dùng 1-5 lít chế phẩm EMINA thứ cấp pha với 100-150 lít nước té đều lên hố Bioga. Giúp làm sạch môi trường bể Biogas, tiêu tan mùi hôi thối
– Dùng xử lý đệm lót chuồng (đệm lót sinh học):
Dùng 1 lít chế phẩm thứ cấp pha 1lít nước sạch/10m2mặt sàn/1 lần/tuần. Trước khi vào gà, lợn phun 1 lần (phun toàn bộ nền, tường, sung quanh khu vực chuồng nuôi).
IV.4. Xử lý môi trường
1. Cách sử dụng chế phẩm EMINA xử lý nước thải
– Cần tiến hành xử lý nước thải ngay từ đầu nguồn thải. Nếu là nước thải hữu cơ có thể sử dụng Chế phẩm EMINA xử lý ngay đầu nguồn thải để giảm mùi hôi và tăng cường hiệu quả xử lý của hệ thống.
– Tạo lập hệ vi sinh vật có ích trong môi trường để tăng cường khả năng tự làm sạch của hệ sinh thái bao gồm cả thực vật thủy sinh và động vật thủy sinh.
– Ngăn chặn và xử lý không cho các loại tảo độc phát triển.
– Điều chỉnh độ pH của nước theo tiêu chuẩn môi trường.
– Cần phải xử lý cả bùn đáy và nước trong hệ thống hồ chứa nước thải.
Quy trình xử lý:
Sử dụng EMINA pha loãng với nước theo tỷ lệ 1/50 hoặc 1/100 (1 lít EMINA + 50-100 lít nước sạch), chia đều đổ vào các cống thoát, hố ga.
Liều lượng: 1 lít chế phẩm EMINA/1m3 nước thải. Định kỳ 5-7 ngày xử lý 1 lần
2. Cách sử dụng chế phẩm EMINA xử lý rác thải đô thị
Để giảm thiểu sự ô nhiễm ở các bãi chôn lấp rác thải, người ta sử dụng chế phẩm EM. Các chủng vi sinh vật có trong Chế phẩm EM sẽ thúc đẩy sự lên men hữu cơ trong điều kiện kỵ khí.
Quy trình xử lý:
Rác thu gom được đổ lên bãi, san lấp đạt chiều cao mỗi lớp rác khoảng 20cm, hòa loãng Chế phẩm EMINA với nước sạch theo tỷ lệ: 1/50 hoặc 1/100 tùy thuộc vào độ ẩm của rác, thông thường pha theo tỷ lệ 1/100, phun đều lên bãi rác.
Làm như vậy đối với từng lớp rác của mỗi đợt thu gom.
Đến chiều cao 0,8-1,0m thì rắc Bokashi, phủ đất 10cm để tạo sự lên men kỵ khí. Không sử dụng vôi bột và thuốc diệt côn trùng ở trên bãi chôn lấp, chỉ sử dụng ở nơi xung quanh bãi.